GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH "THẦY GIÁO THỦY THẦN"

Xin chào Quý thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến! Hôm nay Thư viện Trường TH Nguyễn Trãi Bắc Quang xin trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc, quý thầy cô và các em học sinh cuốn sách: Thầy giáo thủy thần của tác giả: Phạm Khang.

        Từ xưa đến nay, truyền thống tôn sự trọng đạo là một truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam. Vốn hiếu học, người dân Việt Nam từ xưa đã quan niệm: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” nghĩa là: “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, và đây là điều đặc biệt kỳ diệu của dân tộc ta.

           Có thể xem nước ta là nước của nghề thầy bởi từ xưa, cứ biết chữ là có thể đi dạy, đang là học sinh cũng có thể đi dạy, vừa dạy vừa học là điều thường gặp. ngay trong một gia đình, nghề thầy là một nghề truyền thống, ông, cha, con, cháu đều nối nghiệp làm thầy. Làm thầy là được mọi người kính trọng và ngược lại, đã làm thầy là phải luôn luôn trau dồi đức hạnh, tài năng.

           Đặc biệt, trước đây rất nhiều người thi đỗ nhưng không ra làm quan mà về làng dạy học và họ được xã hội dành cho một vị trí rất trang trọng. Nghề thầy được xem là một nghề vinh quang.

Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11 là ngày để toàn nhân loại hướng về các thầy cô - những người đã khai mở con đường tương lai cho lớp lớp học trò, là những người ươm mầm xanh cho đất nước Việt Nam thân yêu!

Thầy cô! Hai tiếng thiêng liêng ấy vang lên từ trong sâu thẳm tâm hồn mỗi con người một cách thân thương. Đôn-ki-xtôi đã có câu nói nổi tiếng: "Dưới ánh hào quang của ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học”. Quả thật vậy, nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, và người giáo viên là người âm thầm mà vĩ đại nhất.

            Qua nhiều thế kỷ, trân trọng việc dạy và việc học đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

          Để giúp các bạn hiểu được truyền thống tốt đẹp đó trong buổi giới thiệu sách  hôm nay mình xin giới thiệu với bạn cuốn sách “ Thầy giáo thủy thần” do Phạm Khang biên soạn, nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin phát hành năm 2008. với 164 trang cuốn sách giới thiệu 21 tấm gương về những người thầy hết lòng tận tâm đào tạo những người học trò từ những bước chập chững đầu tiên đến đỉnh vinh quang, và sau đây là một số câu chuyện cảm động về tình thầy trò.

  Câu chuyện “ Bữa tiệc vua ban” .

          Cỗ bàn bày ra đầy đủ, các quan đã tề tựu cả rồi. Hôm nay là ngày Vua ban yến cho các vị triều thần và một số nhà khoa mục mới về kinh đô, nhà vua đã tới ngự để chủ tọa buổi tiệc. Sau khi tung hô vạn tuế, mọi người đã được nhà vua cho phép ngồi vào phần dành cho mình theo thứ bậc. nhưng mấy vị quan đại thần ở bàn trên vẫn cứ đứng trơ trơ, không dám nhúc nhích, ở bản dưới các vị quan thấy vậy cũng không dám ngồi. Phút yên lặng kéo dài, nhà vua sốt ruột đưa mắt nhìn quanh, tất cả đều giữ thái độ trang nghiêm, lễ phép như vậy.

           -Tâu bệ hạ, Tham tri Nguyện Trọng Hợp vội vàng quỳ xuống, có vị tôn sư của chúng thần đang đứng đây, chúng thần đâu đã dám ngồi…

  Vậy vị tôn sư đó là ai và ông là người như thế nào mà được các quan tôn kính như vậy ?

Hay câu chuyện: Trịnh Khiết Trường

 Câu chuyện kể rằng: Lúc nhỏ Trịnh Khiết Trường cùng với các bạn ra chơi nghịch đất bên vệ đường. Cậu bầy ra trò đắp voi, lấy đỉa làm vòi, lấy bướm làm tai và đặt dưới bốn chân voi là bốn con cua. Thế là con voi đất bé kia chuyển động được. Trò chơi hấp dẫn mọi người, ai cũng khen cậu thông minh. Có vị quan đi qua đường đã dừng lại theo dõi rất lâu, rồi đến tận nhà giúp đỡ tiền bạc cho bố mẹ cậu, khuyên cho cậu học hành đến nơi đến chốn.

Năm 1942, Trịnh Khiết Trường thi đỗ đồng tiến sĩ (đồng khoa với nhà sử học Ngô Sĩ Liên). Hôm xướng danh, ông đã xin trả mũ áo, không nhận. Vua hỏi tại sao. Ông trả lời đỗ tiến sĩ vẫn chưa đạt đúng kết quả mình mong muốn, nên xin về học thêm. Nhà vua cười khen:

-Thật đáng khen cho chí khí của lão thư sinh - vì lúc này ông đã ngoài 60 tuổi. Được ông cứ về học thêm, nếu sau đỗ Tam khôi, trẫm sẽ gả công chúa cho.

Vậy Trịnh Khiết Trường có đi thi tiếp không và kết quả ra sao, ông có được vua gả công chúa cho không?

  Tiếp theo là câu chuyện “Thầy giáo thủy thần”.

Chu Văn An vốn là người ham đọc sách, ông mở trường dạy học và thường dạy học trò rõ lẽ, giữ chính, trừ tà. Nghe danh ông học trò theo về rất đông. Tương truyền học trò của ông như Phạm Sư Mạnh đỗ Thái học sinh, làm quan tể tướng mà khi về thăm thầy cũng phải quỳ lạy dưới giường.

Tiếng tăm của ông lan rộng đến tận triều đình, vua Trần Minh Tông hâm mộ, vời ông ra là Tư nghiệp Quốc Tử Giám, hầu giảng sách cho Thái Tử.

Minh Tông mất, Trần Dụ Tông lên ngôi kế vị làm nhiều điều mất lòng dân, lòng dân ly tán, dân hò nhau nổi dậy khắp nơi.

Chu Văn An quản lý trường Quốc Tử Giám nhưng đau lòng về thế sự, mấy lần can ngăn Dụ Tông nhưng không được. Không cầm được lòng ông đã dâng sớ lên vua Trần Dụ Tông xin chém 7 tên giam thần để trừ kẻ lộng quyền giữ yên phép nước nhưng nhà vua không nghe. Ông buồn bực trả áo mũ từ quan về quê mở trường dạy học. Do tiếng tăm và đạo đức của ông, học trò theo về rất đông và đủ thành phần.

Trong đám học sinh xin vào học ở trường của Chu Văn An, có một học trò hành tung rất lạ. Anh ta thoắt đến, thoắt đi, lại ít trò chuyện với các trò khác nên được Chu Văn An chú ý. Có điều người học trò này rất chăm học, thường đến lớp đúng giờ, chăm chú nghe lời thầy. Ngoài ra, vào những hôm giông bảo nước sông cuồn cuộn anh ta thường vắng mặt xin phép thầy nghỉ nhà có việc.

Rồi học trò trong trường cũng thấy anh ta có gì khác lạ so với họ. Anh ta không tham gia các trò tinh nghịch của học trò, đến giờ thì xuất hiện, hết giờ chào thầy và đi luôn. Nhưng anh ta tỏ ra hết mực kính trọng thầy hơn các trò khác.

Một ngày kia, Chu Văn An nhờ mấy trò bí mật theo sát để xem nhà trò đó ở đâu.

Tan học,  anh ta chào thầy rồi lẳng lặng ra khỏi lớp đi về cuối làng. Mấy học trò bí mật bám theo sát anh ta. Đến bờ đầm Cung Hoàng anh ta lội xuống nước và biến mất. Đám học trò kinh hãi vội về trình báo ngay với thầy. Chu Văn An nói :

- Ta nghĩ, quỷ thần muốn đến lớp học là điều hiếm khi xảy ra và dặn các con không được để lộ chuyện này.

Một ngày kia trời làm đại hạn. Cây cối xác xơ khô héo, chút nước mưa dự trữ ở các nhà để nấu ăn cũng cạn, tiếng thở dài ngao ngán vang lên khắp nơi.

Mặc cái nóng đổ lửa như thiêu như đốt, tại trường học của Chu Văn An các trò vẫn đến lớp nhưng trông người nào cũng mỏi mệt. Người học trò Thủy thần vẫn đến lớp như thường lệ và chăm chú nghe thầy giảng bài. Tan học, Chu Văn An nhìn người học trò đó và nói :

- Con có thể nán lại để thầy hỏi một chút được không ?

- Trời ra tai hạn hán. Ta biết con không phải người thường liệu con có phép thuật gì để giúp thầy cứu dân không?

Vậy người học trò đó là ai? Anh có vì tình thày mà cứu nhân dân trước cảnh đại hạn.

Câu trả lời cho những nội dung trên đều có trong cuốn sách “ Thầy giáo thủy thần” mời quý bạn đọc, quý thầy cô và các em đến với thư viện trường TH Nguyễn Trãi để cùng đọc cuốn sách này nhé !